Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Doanh nghiệp đau đầu vì giá cát
Doanh nghiệp đau đầu vì giá cát
Giá cát trên thị trường cả nước biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông bị ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh
Anh Nguyễn Trần Hưng – Giám đốc Cty CP Xây dựng Giao Thủy chia sẻ, cuối năm 2016 và đầu năm 2017, đơn vị của anh đã trúng thầu một số công trình xây dựng, sửa chữa các trường học, trụ sở làm việc và đường giao thông nông thôn, khu đô thị mới trung tâm Thị trấn Ngô Đồng, Nam Định và đang triển khai thi công.
Giá cát phi mã
“Ngay sau khi bắt tay vào triển khai dự án thì giá cát liên tục tăng khiến doanh nghiệp của anh phải đề xuất các cơ quan, ban ngành, các địa phương, nhà thầu thi công trên địa bàn tỉnh để thống nhất phương án điều chỉnh giá vật liệu, bù lỗ về giá cát cho phù hợp, hạn chế thiệt thòi cho doanh nghiệp” – anh Hưng cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên, giá cát vàng trước đây khoảng 300.000 đồng/khối, giờ là 600.000 đồng/khối. Giá cát đen khoảng 180.000 đồng/khối, nay lên hơn 300.000 đồng/khối. “Giá hôm nay là vậy nhưng ngày mai không chừng sẽ tăng cao hơn nữa. Vậy mà không có hàng để bán, đầu nậu chỉ giao cho mỗi nơi một ít chứ không nhiều như xưa”, chị Huỳnh Thị Tâm – chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng nhận xét.
Ghi nhận của phóng viên cũng cho thấy, rất nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng nhỏ lẻ đều không còn nguồn cát để cung cấp cho thị trường.
Ông Nguyễn Hiệu, nhà thầu xây dựng tại Q.12 (TP.HCM) cho biết, giá cát tăng làm chi phí xây nhà tăng lên khoảng 10%. Chưa kể, trước đây khi lấy vật liệu thường thanh toán gối đầu nhưng nay muốn mua cát phải thanh toán tiền trước. Ông Hiệu cũng đang “đau đầu” xử lý vụ giá cát tăng phi mã bởi đã ký thầu xây dựng với chủ nhà, giá đã chốt, nay cát và một số vật liệu khác tăng theo khiến lợi nhuận công ty gần như không còn.
Là một trong những nhà thầu lớn về xây dựng hiện nay tại Việt Nam, ông Huỳnh Nhân Quang – Trưởng phòng Vật tư Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, phân tích giá cát tăng đột biến do nhà nước có các biện pháp kiểm soát những đơn vị khai thác cát dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Giới buôn bán cát lợi dụng tạo sự khan hàng, đẩy giá cát tăng cao, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng và thị trường xây dựng nói chung.
“Để giải quyết tình huống, trước mắt công ty vẫn chủ động tìm các nguồn cung cấp cát trên thị trường để duy trì tiến độ thi công cam kết với khách hàng, mặc dù chi phí bị ảnh hưởng khá nhiều” – ông Quang cho biết.
Chống đầu cơ, tích trữ cát
Theo thống kê của Bộ TN&MT, tổng tài nguyên cát trên cả nước ước tính chỉ còn khoảng hơn 2 tỷ mét khối. Chỉ tính riêng năm 2016 nhu cầu cát cho xây dựng khoảng 131 – 140 triệu mét khối; dự báo đến năm 2020, nhu cầu cát cho xây dựng sẽ là 182 – 197 triệu mét khối.
Trước sự khan hiếm về nguồn vật liệu xây dựng này, mới đây Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan quản lý tăng cường quản lý cát sỏi tại các địa phương đồng thời thường xuyên nắm thông tin về giá cả, nguồn cung, chống việc đầu cơ, tích trữ để tăng giá.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng động thái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong quản lý khai thác cát. Tuy nhiên để lâu dài, bền vững phải xem xét lại quy hoạch khai thác cát, sỏi để khoanh vùng khu vực được phép khai thác và không được phép khai thác, tổ chức đấu thầu để các doanh nghiệp làm ăn chính đáng vào khai thác bởi nhu cầu đang rất lớn.
Để tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cát, mới đây Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án sử dụng tro sỉ thạch cao của các nhà máy vật liệu hóa chất đề làm nguyên liệu làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp giảm ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp xây dựng cần tăng cường sử dụng các vật liệu khác tại địa phương thay cho cát sông, tiến tới không dùng cát sông làm vật liệu san lấp.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tăng cường sử dụng các vật liệu khác như đất, phế thải công nghiệp làm vật liệu san lấp, thay thế cát sông, nghiên cứu sử dụng cát xay từ đá dùng cho đổ bê tông như nhiều nước đang thực hiện. “Thời gian tới Bộ sẽ hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, đơn giá để thực hiện các giải pháp về vật liệu thay thế” – Thứ trưởng Hùng khẳng định.
Theo Batdongsan.enternews.vn
http://batdongsan.enternews.vn/vat-lieu-cong-nghe/doanh-nghiep-dau-dau-vi-gia-cat-20180410003957.html