Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Cuộc đua nhà chọc trời tại Đà Nẵng (KỲ II): Coi chừng rước họa vào thân
Cuộc đua nhà chọc trời tại Đà Nẵng (KỲ II): Coi chừng rước họa vào thân
Việc nhiều chủ đầu tư lựa chọn phát triển dự án bất động sản theo hướng vừa cao vừa hoành tráng được dự đoán sẽ là xu thế nhưng không phải ai cũng thành công và tại Đà Nẵng rất nhiều chủ đầu tư đã “ngã ngựa”.
Ngày 25/7/2009, Công ty Cổ phần địa ốc Viễn Đông Việt Nam chính thức khởi công xây dựng tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers cao nhất miền Trung (thời điểm khởi công) với 48 tầng nổi và 3 tầng hầm, chiều cao từ mặt đất tới đỉnh mái là 220m.
Từ dự án cao tầng thành bãi đất hoang
Theo giới thiệu, dự án do Công ty Mooyuong A&E (Hàn Quốc) thiết kế, có tổng diện tích sàn xây dựng 245.000m2 trên khu đất rộng 11.171m2 nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng. Các chức năng phức hợp trong tòa nhà bao gồm khu thương mại cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ ngồi, sàn giao dịch chứng khoán, khách sạn quốc tế, căn hộ sang trọng và văn phòng hạng A… Và theo cam kết, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2012.
Tuy nhiên, sau lễ khởi công hoành tráng, khu đất “vàng” này vẫn tiếp tục bị bỏ hoang cho cỏ mọc bất chấp UBND TP Đà Nẵng nhiều lần gửi văn bản giục chủ đầu tư đẩy nhân tiến độ thi công, thậm chí là dọa thu hồi nhưng tình trạng đâu lại vào đấy.
Liên quan đến dự án này, đầu năm 2016, thành phố Đà Nẵng quyết định thu hồi giấy phép dự án Công viên công cộng và bãi đỗ xe ngầm Viễn Đông do Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông Việt Nam đăng ký đầu tư, để nâng cấp cải tạo, trả lại làm công viên công cộng.
Tiếp đó, ngày 22/11/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng đã có văn bản số 384/QĐ-SKHĐT chấp thuận đề nghị giãn tiến độ đầu tư dự án trong vòng 24 tháng. Theo văn bản này thì trong quý II/2017, nhà đầu tư phải thi công xây dựng phần móng và phần ngầm công trình; quý IV/2017 thi công xây dựng phần thân công trình và đến ngày 31/10/2018 thì hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn án binh bất động, cỏ mọc um tùm,…
Đến những công trình “đắp chiếu”
Không chỉ Viễn Đông Meridian, ngay trung tâm thành phố, nhiều dự án cao, to, hoành tráng tọa lạc tại những khu đất vàng, đất kim cương trở thành những dự án treo, dự án bỏ hoang,…
Có thể kể tên một loạt các dự án như Đà Nẵng Center từ “kiệt tác” 125 triệu USD với khách sạn 5 sao 35 tầng, căn hộ cao cấp 27 tầng hiện giờ thành bãi đất hoang, hố móng nằm giữa dự án với một cái hố ao tù, nước đọng…. thành nơi nuôi muỗi.
Viễn Đông Meridian Towers trở thành bãi đất hoang với cỏ mục um tùm
Hay như Khu phức hợp Golden Square, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng với 3 tòa tháp cao 21-36 tầng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011 nhưng đến thời điểm hiện tại, Golden Square chỉ mới hoàn thành móng, 2 tầng ngầm, sàn lầu 2 khối đế tòa nhà.
Ngoài ra còn có một loạt các dự án khác như Olalani Riverside Towers với 03 tòa tháp đôi quy mô 26 – 37 tầng/tòa trở thành nhà luyện tập thể dục thể thao và văn phòng; Khu phức hợp đường 2/9 với quy mô 2.944 căn hộ, 4 tầng trung tâm thương mại và 54 tầng văn phòng nhưng sau khi sang tên, đổi chủ thì thay vào công trình “chọc trời” 54 tầng là khu đất được phân lô bán nền…
Coi chừng rước họa vào thân
Quan sát trên thị trường, có thể thấy cuộc đua xây nhà chọc trời bắt đầu từ hơn 10 năm qua nhưng như đã nói ở trên, bên cạnh những dự án hoàn thành đúng tiến độ, quy mô như đã cam kết thì có những dự án chỉ hoành tráng trên giấy.
Lý giải cho nguyên nhân này, có thể nhận thấy một đặc điểm là những dự án trên đều được khởi động vào thời kỳ thị trường bất động sản nóng sốt, và khi thị trường khó khăn, các chủ đầu tư không tìm thấy đầu ra cho sản phẩm nên phải “trùm mềm, đắp chiếu”.
Trong một lần trả lời báo chí, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoreA cho rằng chúng ta cần nhà chọc trời nhưng không nên chạy theo thế giới mà phải dựa trên căn cứ, nhu cầu của nền kinh tế hay thị trường. Theo ông Châu, nhà chọc trời không đơn thuần là nhà cao nhất mà phải là tổ hợp đa năng, tích hợp được nhiều tiện ích. Và không phải ai muốn xây nhà chọc trời là xây được mà phải có uy tín và tiềm lực tài chính tốt.
Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản cho rằng đối với các dự án cao, to và hoành tráng thì vốn luôn là bài toán khó bởi tổng vốn đầu tư cho những dự án này thường là vài ngàn tỷ, thậm chí là hàng chục ngàn tỷ.
“Khác với việc xây dựng các khu đô thị – cũng có thể có số vốn tương đương nhưng chủ đầu tư có thể triển khai từng giai đoạn, lấy ngắn nuôi dài thì với các tòa nhà chọc trời, chủ đầu tư phải thi công liên tục nên nhà đầu tư cần phải trường vốn, có phương án thu xếp vốn khả thi. Nếu không, việc dừng thi công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu tư và kinh doanh. Vậy nên, vốn chính là trở ngại lớn nhất cho những dự án này. Ít vốn thì đừng mơ nhà chọc trời nếu không sẽ rước họa vào thân”, ông Dương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dương, đầu ra của dự án cũng là điều cần phải tính toán bởi không phải lúc nào thị trường bất động sản cũng tốt, dự án làm ra cũng bán được hàng. “Thời gian thu hồi vốn cho dự án tỷ lệ thuận với chiều cao, độ hoành tráng của dự án nên chủ đầu tư lại càng phải cần lưu ý”.
Đó là với những dự án đang trong quá trình hình thành, còn với những dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác cũng chưa chắc đã suôn sẻ.
Keangnam, tòa tháp một thời cao nhất Việt Nam là một ví dụ. Được biết đến với thương hiệu đẳng cấp làm nên tòa nhà cao tầng và hiện đại nhất Việt Nam, song trước và sau khi đi vào hoạt động, Keangnam luôn gắn với nhiều tai tiếng. Đó là việc liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động, hàng trăm cư dân sống tại đây tố cáo chủ đầu tư “bóc lột” cư dân khi thu hàng loạt loại phí “khủng”, vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng, tranh cãi về diện tích căn hộ đã khiến chủ đầu tư và cư dân phải ra tòa.
Theo Batdongsan.enternews.vn