Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Xây cao ốc phải đánh giá tác động giao thông
Xây cao ốc phải đánh giá tác động giao thông
Hiện nay tại các thành phố lớn, tình trạng cao ốc dọc các tuyến phố đang khiến cho tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng.
Hiện nay tại các thành phố lớn, tình trạng cao ốc dọc các tuyến phố đang khiến cho tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng.
Các tòa chung cư “mọc” san sát trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Zing
Trên thực tế công tác quản lý chỉ tiêu hệ số sử dụng đất (là tổng diện tích sàn xây dựng được phép cho một ô đất cụ thể) từ quy hoạch đến triển khai dự án đang thiếu một cơ chế quản lý thống nhất về quy mô và chức năng sàn xây dựng.
Quy hoạch vênh thực tiễn
Hiện nay, chúng ta chưa có quy định pháp luật riêng biệt về đánh giá tác động giao thông khi xây chung cư, nhà cao tầng trong nội đô. Các dự án xây dựng khu đô thị, chung cư mới chỉ có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà không có đánh giá riêng tác động của dự án đối với giao thông. Ở các nước phát triển, khi quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới (ĐTM) bao giờ họ cũng ưu tiên đất dành cho giao thông và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Thí dụ, theo Quy chuẩn quy hoạch xây dựng QCXDVN01/2008 chỉ tiêu xây dựng công trình xây dựng cao tầng hỗn hợp và chung cư cao tầng dựa vào kiểm soát hai chỉ tiêu là mật độ xây dựng và tầng cao dưới 15 tầng (<46m) dựa trên quy mô đất đai, do vậy đối với các công trình >46m là chưa có kiểm soát tối ưu. Giai đoạn trước, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 1997 khống chế hệ số sử dụng đất tối đa là 5 lần và khu vực nội đô là 3 lần đã tạo nên cơ chế chặt chẽ trong quản lý đô thị, tuy nhiên giai đoạn này chưa có sự phát triển mạnh của các công trình cao tầng quy mô lớn.
Năm 2016, Hà Nội có ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong Khu vực nội đô lịch sử TP. Tuy nhiên Quy chế này chỉ mới chỉ được xây dựng cho khu vực từ vành đai 2 trở vào.
Ngoài những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị, sự xuất hiện các tòa nhà cao tầng ở khu vực trung tâm thành phố còn có thể phá vỡ kiến trúc cảnh quan tại nơi đó – thường là nơi được biết đến với nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời.
Siết nhà cao tầng trong nội đô
Chúng ta mải miết chạy đua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố mà hoàn toàn chưa quan tâm nhiều đến kiểm soát hình ảnh đô thị và kiến trúc cảnh quan của Thủ đô. Một lời khuyên lúc này là thành phố phải làm thế nào để có thể thực hiện nhanh, sắp xếp các công trình đúng chỗ, đúng thiết kế của đô thị rồi từ đó mới giải quyết công việc tiếp theo.
Muốn giảm bớt áp lực cho khu vực nội đô, Hà Nội phải có biện pháp mạnh mẽ hạn chế tối đa việc xây nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Trong quy chế xây dựng nội đô phải tính đến mật độ xây dựng và dân số để cân đối hạ tầng và dân cư đô thị cho hợp lý. Kiên quyết di dời các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bến bãi ra ngoại thành để xây bãi đỗ xe, công viên phục vụ người dân. Thu hút vốn doanh nghiệp là việc làm cần thiết để cải tạo và xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, thành phố cần xem xét đưa ra nhưng ô đất đối ứng nằm ở những vị trí thuận lợi cho phát triển đô thị, thay vì cho doanh nghiệp xây chung cư trên đất “vàng”, sau đó thì gia tăng mật độ và chiều cao.
Rõ ràng việc từng bước siết xây nhà cao tầng trong nội đô sẽ gây nên khó khăn cho những doanh nghiệp đã có dự án hoặc đang triển khai dở dang và cả cho cơ quan quản lý của thành phố. Nhưng cũng qua đợt này, chúng ta sẽ rút ra được bài học, cách làm bài bản hơn, biết rõ hơn những vùng nào có thể xây nhà cao tầng cũng như phải tôn trọng vùng hạn chế phát triển thực sự, tạo ra hình ảnh đô thị đúng tầm.
KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Theo batdongsan.enternews.vn