Mặc dù đến năm 2020 chúng ta mới được sử dụng tuyến Metro đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã mang mô hình đầu tàu Metro về trưng bày cho mọi người xem và góp ý kiến xây dựng. Nếu anh em không có điều kiện đến tham quan trực tiếp thì có thể xem qua clip cũng như những hình ảnh chi tiết bên dưới đây.
Metro hay MRT (Mass Rapid Transit) là loại hình tàu điện vận chuyển khối lượng hành khách lớn trong đô thị. Metro đã xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế giới và ở những thành phố lớn Metro đóng vai trò phương tiện giao thông công cộng chính yếu.
Các đoàn tàu sản xuất theo công nghệ Nhật Bản và được lựa chọn, tư vấn bởi đơn vị mua sắm Hitachi. Mô hình tàu Metro đang được trưng bày tại Ban quản lý đường sắt TP.HCM ở quận 9 vẫn chưa được gắn đầy đủ các hệ thống cơ khí, điện tử nên chúng ta chỉ có thể tham khảo được phần kiểu dáng nội-ngoại thất, cũng như là những vấn đề liên quan đến công năng sử dụng.
Ấn tượng đầu tiên mình thấy rằng thiết kế đầu tàu Metro trưng bày có phần hiện đại hơn những loại tàu Metro ở các nước mình từng đi qua như Thái Lan, Singapore.
Có nhiều ý kiến cho rằng phần đầu tàu được làm quá vuông vức, cục mịch không đẹp bằng tàu Metro ở những nước khác. Mình nghĩ ý kiến này hoàn toàn không đúng. Vì thứ 1, Metro là tàu điện di chuyển với tốc độ trung bình không nhanh nên không nhất thiết phải có thiết kế khí động học như những loại tàu cao tốc hành trình dài (Shinkansen của Nhật là một ví dụ). Thứ 2, lý do quan trọng nhất là vì tàu Metro có đoạn di chuyển ngầm, mà hệ thống cửa điện 2 bên hông tàu lại quá sát với vách đường hầm, nên 2 đầu tàu buộc phải có thiết kế vuông vức để có thể bố trí cửa thoát hiểm sơ tán hành khách trong những tình huống khẩn cấp.
Nếu đưa vào sử dụng thực tế thì những chi tiết đèn pha, bảng hiệu sẽ đều là đồ thật. Mình nghĩ khi đó đầu tàu sẽ còn đẹp hơn nữa.
Trong thời gian đầu, một đoàn tàu Metro sẽ bao gồm 3 toa dài 61,5 m và sẽ được nâng lên thành 6 toa/1 đoàn vào năm 2025. Có tất cả 2 kiểu toa tàu: Toa chứa động cơ – khoang lái đặt ở 2 đầu và Toa không chứa động cơ – khoang lái. Cả 2 kiểu toa đều có chứa hành khách và sở hữu chiều rộng giống nhau là 2,95 m. Tuy nhiên, loại toa có chứa động cơ – khoang lái có chiều dài 20,25 m, loại toa còn lại có chiều dài 19,5 m.
Thân tàu được làm từ vật liệu hợp kim nhôm. Ban đầu màu xanh dương được chọn để trang trí một số phần ở ngoại hình của đoàn tàu. Nhưng về sau khi các tuyến Metro tiếp theo đưa vào hoạt động thì sẽ có nhiều màu sắc hơn để phân biệt các tuyến Metro với nhau.
Về phần tiện nghi, mỗi toa tàu sẽ có 8 cửa điện đóng mở tự động đặt âm bên trong thân xe rất hiện đại. Phía trên có các bảng hiệu thông báo trạm đến tiếp theo hay bản đồ của toàn tuyến để hành khách tiện theo dõi. Ngoài ra, đoàn tàu Metro cũng được trang bị hệ thống điều hòa phục vụ suốt tuyến.
Mỗi toa tàu có tất cả 6 hàng ghế. Mỗi hàng ghế chứa 7 ghế nhỏ làm bằng vật liệu nhựa gia cố sợi thủy tinh. Mình đi MRT ở Singapore cũng thấy tàu của họ cũng sử dụng những ghế nhựa như vậy. Dù ghế nhựa sẽ không thoải mái, êm ái như ghế nệm nhưng nó phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam vì không gây cảm giác nóng và tính chất bền vững vật lý cao hơn.
Mỗi đoàn tàu 3 toa sẽ có khả năng chở được tối đa 930 hành khách vào giờ cao điểm. Trong đó số lượng hành khách đứng sẽ chiếm hơn 4 lần số lượng hành khách ngồi. Sở dĩ điều này xảy ra là vì nếu bố trí nhiều ghế ngồi sẽ khiến năng lực chuyên chở của đoàn tàu Metro giảm xuống đáng kể.
Mục đích đoàn tàu Metro chỉ phục vụ chuyên chở trong khoảng thời gian ngắn, toàn tuyến Metro số 1có 14 trạm. Tổng thời gian đi hết tuyến mất khoảng 29 phút và khoảng thời gian cách nhau mỗi trạm chỉ 2-3 phút. Theo kinh nghiệm mình đi Metro ở các nước khác thì việc đứng trung bình khoảng 15-20 phút cũng không phải là vấn đề quá lớn. Trong thời gian đứng chờ đến ga chúng ta có thể giải trí với thiết bị di động để giúp quên đi cảm giác mỏi chân.
Những hành khách đứng sẽ có nhiều lựa chọn để bám vững trong lúc tàu chạy như sử dụng tay nắm trên cao, thanh bám ở đầu mỗi dãy ghế. Đáng tiếc là trên mô hình tàu Metro tại Việt Nam mình vẫn chưa thấy có những cột chống cố định giữa khoang xe như trên Metro ở những nước khác. Xem hình so sánh bên dưới các bạn sẽ thấy là việc bố trí những cột chống cố định này sẽ phục vụ được một lúc nhiều người đứng bám vào hơn là kiểu tay nắm và vì thế nó giúp tối ưu được thêm không gian sử dụng.
Mặc dù trên tàu Metro có bố trí 2 vị tay nắm, một thấp một cao, để có thể đáp ứng được nhiều khổ người lớn khác nhau, nhưng nó cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế như trẻ em thì sẽ không tiếp cận được, và một số vấn đề về vệ sinh cá nhân trong tư thế giơ tay cao có thể ảnh hưởng đến người xung quanh.Đây là khu vực dành riêng cho người khuyết tật đi xe lăn
Các toa tàu sẽ thông với nhau thông qua những đoạn cửa nối có chiều rộng 0,9 mKhoang lái bố trí ở mỗi đầu tàu và được cách ly hoàn toàn với khoang hành khách. Bên trong chỉ có một nhân viên vận hành mà thôi. Dù mang tiếng nhân viên vận hành nhưng đoàn tàu sẽ tự hoạt động trong đa số thời gian. Những nhân viên này chỉ can thiệp vào những tình huống khẩn cấp hoặc dừng tàu khi có sự cố.
Ngoài ra, nhân viên vận hành có thể quan sát khoang hành khách thông qua màn hình ở trung tâm bảng điều khiển, kết nối với hệ thống camera đăt khắp khoang xe. Mỗi đoàn tàu cũng được trang bị một hộp ghi dữ liệu (hộp đen) phục vụ cho việc điều tra khi có tai nạn, sự cố xảy ra.
Đoàn tàu Metro sẽ được trang bị động cơ điện xoay chiều, 3 pha 380 V. Nguồn điện sẽ được cấp thông qua cần lấy điện trên nóc toa tàu từ nguồn một chiều 1.500 V. Đoàn tàu có thể đạt vận tốc tối đa 110 km/h cho những đoạn trên cao và 80 km/h đối với những đoạn đi ngầm. Tốc độ trung bình dự kiến cho toàn tuyến Metro số 1 là 49 km/h.
Nói một chút về việc thanh toán vé khi đi tàu Metro. Ban quản lý cho biết là việc thanh toán sẽ đều thông qua 1 chiếc thẻ từ gọi là Smart Card, tương tự như chiếc thẻ tín dụng hay ATM của chúng ta xài thông thường. Hình thức này đều được các nước có tuyến Metro trên thế giới áp dụng. Chúng ta sẽ phải mở 1 tài khoản và tiền vé sẽ trừ thẳng vào tài khoản đó chứ không phải trả bằng tiền mặt như đi xe buýt hiện nay. Khi vào trạm thì chúng ta sẽ quẹt thẻ ở cổng vô, khi ra cũng quẹt một lần nữa để hệ thống căn cứ vào quãng đường chúng ta đi mà tính tiền chính xác.
Với những giải pháp thanh toán thông minh như Apple Pay, Android Pay sắp được đưa vào ứng dụng ở những nước tiên tiến, mình hy vọng là ở tương lai không gần mà cũng không quá xa chúng ta có thể sử dụng chính chiếc điện thoại hay thậm chí là chiếc đồng hồ thông minh của mình để làm động tác check-in, check-out thay cho chiếc thẻ. Dù sao thì việc bớt đi 1 chiếc thẻ sẽ giúp ví chúng ta cũng nhẹ nhàng hơn.
Trang chủ » Tin tức » Khoa học - Công nghệ » Chi tiết mô hình tàu Metro đầu tiên của Việt Nam