Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Chứng khoán đảo chiều khi dòng tiền trở lại
Chứng khoán đảo chiều khi dòng tiền trở lại
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã chủ chốt đã bật tăng sau hai phiên bị bán tháo ồ ạt.
Diễn biến bất ngờ đã không xuất hiện trong phiên chiều nay. Chốt phiên giao dịch ngày 24/4, VN-Index tăng gần 4 điểm, tương đương 0,37% lên 1.080,74 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,13%, còn UPCOM-Index giảm 0,15%. VN30-Index – chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, diễn biến ngược chiều với VN-Index khi chốt phiên giảm 0,13%.
Kịch bản “đánh úp” trong phiên ATC đã không diễn ra, thị trường giao dịch trong tâm lý thận trọng và giữ sắc xanh đến cuối phiên. Tuy nhiên, chống đỡ cho thị trường chủ yếu vẫn là một số mã quen thuộc như VIC của Vingroup hay BVH của Tập đoàn Bảo Việt. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” vẫn là xu hướng chính khi số cổ phiếu giảm trên sàn HoSE vẫn áp đảo số cổ phiếu tăng.
Theo một số chuyên gia, trụ vững mốc 1.080 điểm của phiên hôm nay sẽ tạo đà tâm lý vững hơn cho thị trường. Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu khi trạng thái giao dịch bao trùm vẫn là thận trọng. Thanh khoản của thị trường lùi về ngưỡng 7.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền vẫn đang cân nhắc trước các quyết định đầu tư.
Các chỉ số chứng khoán phục hồi sau biến động
Ngay sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), cổ phiếu VNM của Vinamilk giảm gần 6.000 đồng, về dưới ngưỡng 180.000 đồng. VIC của Vingroup giảm hơn 4.000 đồng, VJC của Vietjet giảm 3.000 đồng hay MSN giảm 3.000 đồng. Tâm lý cắt lỗ đang lan rộng khi tổng mức giảm trong hai phiên với nhiều cổ phiếu đã vượt quá 10%.
Nhóm ngân hàng, “tội đồ” của phiên hôm qua, tiếp tục bị bán mạnh trong phiên sáng nay. Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh xác lập gần nhất. Cổ phiếu CTG của VietinBank, MBB của MB về sát mức 30.000 đồng, VCB mất mốc 60.000 hay HDB xuống dưới 45.000 đồng.
Trong bản tin tối qua, nhiều công ty chứng khoán đã bày tỏ sự lo ngại về triển vọng của thị trường khi mức giảm đã quá lớn. Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng rủi ro thị trường đang ở mức cao và những phiên hồi phục chỉ là cơ hội để giảm tỷ trọng cổ phiếu.
KB Việt Nam cũng chung nhận định khi đánh giá xu hướng giảm đã được xác nhận và cho rằng áp lực bán sẽ tiếp tục gia tăng. “Thị trường có thể giao dịch giằng co trong phiên nhưng rủi ro sẽ tiếp tục tăng mạnh khi nhóm bluechips bị cuốn theo nhóm tài chính – ngân hàng”, báo cáo của KB Việt Nam viết.
Sát giờ đóng cửa phiên sáng, dòng tiền bắt đáy trở lại với thị trường giúp các chỉ số chính vượt qua ngưỡng tham chiếu. Chốt phiên sáng ngày 24/4, VN-Index tăng gần 5 điểm, tương đương 0,46% lên gần 1.082 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index tăng lần lượt 0,6% và 0,14%.
Sắc xanh trở lại với thị trường
Nửa đầu phiên sáng, thị trường diễn ra trong trạng thái giằng co khi chỉ số liên tục tăng giảm với biên độ cao. VN-Index giảm xuống gần 30 điểm ngay sau phiên ATO, bật ngược trở lại sau đó và lại tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên gần cuối phiên sáng, dòng tiền trở lại quyết liệt hơn đẩy chỉ số này vượt qua ngưỡng tham chiếu.
Nhiều cổ phiếu đã chuyển từ sắc đỏ sang xanh vào cuối phiên, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip) và ngân hàng. Cổ phiếu VIC của Vingroup đến cuối phiên sáng tăng 3.800 đồng, BVH của Tập đoàn Bảo Việt tăng 3.000 đồng, GAS tăng 2.200 đồng.
Ở nhóm ngân hàng, VCB của Vietcombank tiến sát mốc 60.000 đồng, BID tăng gần 1.000 đồng, ACB tăng 700 đồng.
Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 4.000 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HoSE đạt hơn 3.200 tỷ. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn có sự phân hóa mạnh và tập trung vào một số nhóm cổ phiếu đã giảm sâu. Độ rộng của thị trường vẫn nghiêng về sắc đỏ. Trên sàn HoSE, số cổ phiếu giảm đạt 155, trong khi số cổ phiếu tăng chỉ có 97 cổ phiếu.
Trạng thái tiêu cực của phiên trước đã tiếp tục diễn ra vào sáng nay (24/4), khi thị trường xuất hiện lực bán mạnh ngay từ thời điểm mở cửa. Đến 9h30, VN-Index giảm hơn 27 điểm, tương đương 2,5% còn 1.049,7 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cũng chịu cảnh tương tự khi chìm trong sắc đỏ.
Nhịp rơi thẳng đứng ngay từ đầu phiên đã ép chỉ số đại diện cho Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) về dưới ngưỡng 1.050 điểm, mất hơn 150 điểm, tương đương gần 13% so với mức đỉnh 1.200 điểm xác lập gần đây.
Độ rộng của thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán khi số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng trên sàn HoSE. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn là động lực tăng trưởng cho giai đoạn trước, tiếp tục bị sức ép bán mạnh.
Nguồn: Vnexpress.net