Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Cơn lốc di động của thương mại điện tử Việt Nam
Cơn lốc di động của thương mại điện tử Việt Nam
Nhiều số liệu cho thấy smartphone đang trở thành nền tảng buôn bán qua mạng chính.
Số liệu từ Nielsen Việt Nam cho biết, tỷ lệ người dùng smartphone so với điện thoại phổ thông (feature phone) trong năm 2017 là 84%, tăng 6% so với năm 2016 và ước tính sẽ tăng 20% trong năm tiếp theo.
Đây là một dấu hiệu tích cực cho toàn ngành vì smartphone không chỉ là vật bất ly thân của những người bận rộn mà còn dần trở thành những chiếc ‘laptop cầm tay’, hỗ trợ mọi nhu cầu ngày càng cao của người dùng.
Theo các chuyên gia, nền tảng công nghệ 4.0 đang giúp thiết bị di động nhỏ bé nhưng sức ảnh hưởng không hề nhỏ. “Việt Nam đang tham gia ‘cuộc chơi’ thương mại điện tử với phong độ tốt, nắm bắt hầu hết các xu thế của khu vực”, iPrice đánh giá.
Từ khi chào đón Alibaba thông qua ứng dụng thanh toán AliPay, ứng dụng di động mua sắm trực tuyến Shopee, Lazada…, thương mại điện tử Việt Nam có nhiều dấu hiệu phát triển tích cực. Người dùng bắt đầu có thói quen mua sắm trực tuyến qua thiết bị di động nhiều hơn.
Kéo theo đó là sự chạy đua từ các doanh nghiệp không muốn mình bị chôn vùi trong “cơn lốc” công nghệ vì hiện có đến 72% lượng truy cập website thương mại điện tử đến từ di động.
Số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, trong số các doanh nghiệp có website phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng, 41% doanh nghiệp đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động.
29% có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua sản phẩm. 49% doanh nghiệp có nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.
“Các doanh nghiệp muốn thành công cần theo sát những xu hướng thương mại di động mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Nếu website của doanh nghiệp có sự tương thích đối với thiết bị di động, doanh nghiệp sẽ bảo đảm được khả năng hiện diện trước nhiều khách hàng hơn và khả năng cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp cũng được nâng cao”, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch VECOM nói.
Ngoài thương mại điện tử, công nghệ di động còn trở thành bệ phóng cho các ngành nghề khác nhau.
Đẩu tiên là Fintech – được xem là cơ hội nhiều hơn là thách thức. Theo PwC Việt Nam, tỷ lệ hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tăng lên 42% (cao hơn mức 35% năm ngoái).
Thứ hai là Digital Marketing. Năm 2017, theo Adsota, ngân sách quảng cáo cho nền tảng di động đạt tới 78,7 triệu USD, tương đương 36,6% tổng chi tiêu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.
Đại diện Vietnam Mobile Day 2018 cho biết, cộng đồng công nghệ di động đang đặc biệt quan tâm đến các xu hướng như Fintech, Blockchain, Mobile App, AI… Đây cũng sẽ là những chủ đề chính sẽ được chia sẻ tại sự kiện sắp tới, với dự kiến hơn 10.000 người tham dự.