Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Cuộc đua nhà chọc trời tại Đà Nẵng (KỲ I): Nhất thời hay xu thế?
Cuộc đua nhà chọc trời tại Đà Nẵng (KỲ I): Nhất thời hay xu thế?
Cao hơn, to hơn, hoành tráng hơn dường như đang là xu hướng đang được nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản lựa chọn khi thực hiện các dự án của mình tại Đà Nẵng.
Hàng loạt các dự án nhà cao tầng bên bờ sông Hàn
Một chiều cuối tháng 4/2017, khu vực ngã ba đường Phạm Văn Đồng – Võ Nguyên Giáp bỗng trở nên huyên náo, đông đúc hơn mọi ngày, đông đúc với sự xuất hiện của gần 800 khách mời – trong đó nhiều vị khách mời đặc biệt ở cả trung ương và địa phương. Đó là sự kiện tổ hợp khách sạn, condotel 5 sao Ánh Dương – Wyndham Soleil Danang do PPC An Thịnh Đà Nẵng làm chủ đầu tư chính thức làm lễ cất nóc tòa nhà thứ nhất và giới thiệu căn hộ mẫu tại tổ hợp dự án này.
Còn được gọi tên là tổ hợp Ánh Dương, dự án có tổng diện tích 2,2 ha, gồm 4 tòa tháp cao 50-57 tầng và được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất miền Trung.
Nhiều cái nhất
Không chỉ dự án trên, trong những năm qua, thật không khó để tìm các thông tin liên quan đến việc các dự án cao tầng liên tiếp “mọc” lên tại Đà Nẵng.
Tòa tháp đôi Cocobay Towers nằm trong Tổ hợp Du lịch và Giải trí Cocobay Đà Nẵng của Tập đoàn Empire được giới đầu tư bàn tán xôn xao trong một thời gian với việc siêu sao bóng đá thế giới Cristiano Ronaldo (CR7) cũng chính thức đặt bút ký tên trở thành khách hàng danh dự giữ chỗ đặt mua Condotel tại dự án này là một ví dụ.
Theo giới thiệu, tòa tháp đôi sẽ có chiều cao gần 200m gồm 48 tầng cao và 2 tầng hầm với nhiều tiện ích xa hoa như: hồ bơi vô cực trên tầng 47, nhà hàng và quán bar siêu sang trên đỉnh tháp, thang máy pha lê Panorama và đại trung tâm thương mại đông vui bậc nhất miền Trung.
Và đây là toà tháp đôi sở hữu cầu pha lê cao nhất thế giới, được biết đến như một kỳ quan mới của thế giới, bứt phá mọi giới hạn từng có trong kiến trúc lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Đó là những dự án nằm về phía biển, quay về hướng trung tâm Thành phố, vào giữa năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã Quyết định số 2947/QĐ-UBND phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 khu tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tại khu dân cư nam Trần Thị Lý, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.
Theo đó, tại khu vực này sẽ có 4 cao ốc căn hộ khách sạn (condotel) và thương mại dịch vụ với cao ốc thấp nhất 42 tầng và cao nhất 51 tầng được xây dựng với tổng diện tích đất quy hoạch là 225.923m2.
Tiếp đó, vào tháng 11/2017, tòa tháp đôi Movenpick Hotels & Residences – Risemount Apartment Da Nang, tổ hợp khách sạn, chung cư cao cấp và căn hộ khách sạn với tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng cũng đã được khởi công.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án tọa lạc trên khu đất rộng 5.000m2 nằm trong khuôn viên rộng hơn 11.000m2 (thuộc phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Mỗi tòa tháp đều bao gồm 02 tầng hầm và 31 tầng nổi với 300 căn hộ cao cấp, 151 phòng khách sạn và 259 căn hộ khách sạn…
Bên cạnh những dự án nêu trên, tại Đà Nẵng cũng xuất hiện nhiều công trình có chiều cao trăm mét như Trung tâm hành chính Đà Nẵng với hình dáng kiến trúc của ngọn hải đăng bên sông Hàn với 37 tầng, có 2 tầng hầm với chiều cao 166,8 m hay dự án Novotel Danang Premier Han River với 37 tầng, tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà với 42 tầng nổi và 2 tầng hầm, Khu căn hộ Azura cao 34 tầng…
Nhất thời hay xu thế
Bình luận về cuộc đua xây dựng các tòa nhà cao tầng tại TP Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng đây xu thế và sẽ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian tới.
Nguyên nhân mà xu thế này sẽ bùng nổ: Thứ nhất, về phía chủ đầu tư – những nhà làm kinh tế lão luyện thì chắc chắn họ sẽ không dại gì bỏ ra hàng trăm triệu USD mà không vì mục đích kinh tế.
“Việc xây dựng các tòa nhà chọc trời sẽ khẳng định vị thế của chủ đầu tư bởi bên cạnh việc chứng minh năng lực tài chính, uy tín trong việc “nói được, làm được” thì các kỷ lục về chiều cao thường là điểm nhấn quan trọng, phục vụ đắc lực cho chiến dịch marketing để thu hút khách hàng, nhất là trong việc bán các căn hộ trong tòa nhà đó” – ông Văn Tuấn Huy – một chuyên gia bất động sản chia sẻ.
Còn về phía khách hàng – tức những người mua nhà thì chính việc việc sinh sống trong những tòa nhà này cùng là thể hiện đẳng cấp của giới thượng lưu. “Tôi được biết, tại Việt Nam có những người họ sẵn sàng bỏ ra cả triệu USD hoặc hơn để sở hữu những biệt thự, những căn hộ mà mỗi năm, người ta chỉ ở một hoặc hai lần. Với nhiều người thì đó là lãng phí nhưng với họ thì đó là đẳng cấp, là phong cách, là sự khẳng định vị thế của mình”, ông Huy nói thêm.
Theo Batdongsan.enternews.com.vn