Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng xanh
Khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng xanh
Tại Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, việc ứng dụng vật liệu xây dựng xanh được xem là giải pháp hữu ích và cần thiết. Đây cũng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới.
Sử dụng vật liệu xanh là cần thiết
Các chuyên gia về vật liệu xây dựng đánh giá, sâu chuỗi lại cho thấy quá trình đô thị hóa và các hệ lụy của nó luôn có mối quan hệ vô cùng mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Chẳng hạn, việc sử dụng gạch nung truyền thống trong xây dựng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất sét, ô nhiễm môi trường không khí và cây xanh. Thậm chí, nhiều nơi lò gạch nằm gần khu dân cư, gần hoa màu, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây chết và chậm phát triển của cây xanh, thảm thực vật trên mặt đất.
Do đó, để khắc phục tình trạng này theo các chuyên gia cần phải có sự thay đổi mang tính cách mạng trong ngành xây dựng. Tại một số quốc gia phát triển như Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã sản xuất các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, như bê tông chống ngập, gạch lát xuyên nước dùng làm đường giao thông, bãi đỗ xe, vỉa hè, sân công cộng và các công trình ngoài trời khác.
Việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh giúp giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí CO2. Bên cạnh đó, sử dụng vật liệu xanh còn giúp tạo một không gian sống tốt hơn cho mỗi hộ gia đình.
Theo TS Nguyễn Quang Cung – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, các sản phẩm vật liệu xanh, thân thiện môi trường như bê tông chống ngập, gạch lát xuyên nước, được cung cấp trên thị trường có thể đáp ứng yêu cầu chịu tải trọng trong khi cho phép nước mưa xuyên qua, thẩm thấu xuống lòng đất tự nhiên, một mặt giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm thiểu tình trạng ngập úng, duy trì nguồn nước ngầm, bảo vệ sự sống của sinh vật trong lòng đất…
Tuy nhiên, ở Việt Nam sản phẩm này chưa thực sự được quan tâm và nghiên cứu một cách thấu đáo mặc dù thường xuyên diễn ra ngập úng tại các thành phố và đô thị lớn.
“Hầu hết hệ thống thoát nước của các thành phố và đô thị lớn đều sử dụng vật liệu truyền thống như bê tông cho cống thoát nước, gạch block cho vỉa hè, bãi đỗ xe, là những loại vật liệu không giải quyết được vấn đề ngập úng trong mùa mưa do cấu trúc đặc chắc nên nước không thoát qua”, TS Nguyễn Quang Cung cho biết.
Còn nhiều khó khăn
Việt Nam là đất nước khí hậu nhiệt đới, mùa nắng thì nóng và oi bức, mùa mưa thì kéo dài, đường phố ẩm và trơn trượt. Việc ứng dụng các vật liệu chống ngập, xuyên nước sẽ góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị tại Việt Nam.
Nhận định về khả năng phát triển của sản phẩm có khả năng chống ngập, xuyên nước, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng những loại vật liệu mới, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường cung cấp cho ngành xây dựng sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị. Các sản phẩm này vừa phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, tải trọng, làm đẹp cho đô thị nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố tự nhiên, khí hậu, môi trường.
Là công ty tiên phong trong sản xuất và cung cấp trên thị trường các vật liệu gạch lát xuyên nước, ông Lê Hoài An – Giám đốc Cty CP Gạch Khang Minh cho biết: Theo các nghiên cứu và đã áp dụng tại Mỹ, các nước châu Á, gạch lát xuyên nước là loạt vật liệu thân thiện với môi trường, cho phép bổ sung nguồn nước mưa tự nhiên xuống lòng đất, thúc đẩy khả năng thoát nước, tiêu úng và khi trời nắng thì hơi nước có thể được thoát lên giúp điều hòa khí hậu tại các đô thị.
“Dòng sản phẩm gạch lát xuyên không chỉ hữu dụng, kinh tế mà về lâu dài còn góp phần cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường. Sản phẩm nên được ưu tiên lựa chọn lát ngoài trời trong các đô thị, thành phố lớn”, ông An nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Thanh Hải – Chuyên gia trong lĩnh vực sơn xanh cho rằng, vật liệu xây dựng xanh là một xu hướng tất yếu của xã hội, bởi nhiều lợi thế của nó mang lại cho chính môi trường sống, từ không khí đến tài nguyên thiên nhiên, thảm thực vật, khoáng sản và tránh tình trạng phá rừng, gây biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng nhìn thấy những lợi thế này, “vẫn còn không ít doanh nghiệp, cá nhân vì lợi nhuận mà đi ngược với sự phát triển, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, đặc biệt là câu chuyện giá cả đang là vấn đề mà người tiêu dùng băn khoăn nhất”, ông Hải nói thêm.
Do đó, để các dòng sản phẩm vật liệu xây dựng xanh trở nên gần gũi và phổ biến với người dân hơn nữa, Chính phủ cần phải có các biện pháp, chính sách khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của vật liệu xanh, thân thiện môi trường để loại vật liệu xây dựng này trở nên phổ cập hơn.
Theo Batdongsan.enternews.vn