Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Kinh tế thế giới cảm nhận ‘nỗi đau’ từ chiến tranh thương mại
Kinh tế thế giới cảm nhận ‘nỗi đau’ từ chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang tạo ra những “dấu ấn” đầu tiên lên nền kinh tế toàn cầu, từ nhu cầu tại nhà máy đến lợi nhuận của công ty và giá cả hàng hóa.
Khu vực đồng euro dần cảm nhận được tác động của đe dọa chiến tranh thương mại. (Nguồn: IHS Markit, Ủy ban châu Âu)
Từ Nhật Bản, châu Âu đến Mỹ, các công ty hiện phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: giảm biên lợi nhuận hoặc tăng giá. Nhiều nhà sản xuất cũng đang chịu áp lực lớn vì chi phí nguyên vật liệu cao hơn.
Hôm 24/7, hãng xe máy Mỹ Harley-Davidson hạ dự báo lợi nhuận 2018 vì thiệt hại 50 triệu USD từ các mức thuế được áp dụng gần đây. Hãng dự kiến chi phí thuế quan của EU trong năm 2019 lên tới 100 triệu USD, gần bằng lợi nhuận trong thị trường này. Harley-Davidson bị ông Trump chỉ trích khi công bố kế hoạch chuyển một số sản xuất của Mỹ ra nước ngoài vào tháng trước.
“Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để hấp thụ chi phí. Nhưng chúng tôi không thể chịu nổi 45 triệu đến 55 triệu USD”, Giám đốc Tài chính John Olin chia sẻ.
Công ty điện tử Hà Lan Royal Philips có thể phải chuyển chi phí cho khách hàng khi thuế tăng, CEO Frans van Houten nói. Công ty thiết bị gia dụng Whirlpool của Mỹ cho biết chi phí nguyên vật liệu tăng làm thiệt hại đến một số thị trường trong quý II.
Các chuyên gia nhận định tác động trực tiếp từ thuế quan lên nền kinh tế có thể không lớn nhưng hiệu ứng lên đầu tư kinh doanh, vốn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, là điều đáng lo ngại. Kinh tế Mỹ dự kiến mất đà trong quý III-IV đến cuối năm 2019 và sẽ chỉ bằng khoảng một nửa tỷ lệ quý vừa qua.
Đối với nền kinh tế toàn cầu, thời kỳ tăng trưởng đồng bộ dường như đã kết thúc sau nhiều năm. Theo Abby Joseph Cohen – giám đốc tư vấn tại Goldman Sachs, GDP thế giới sẽ tiếp tục tăng vào năm 2019 nhưng sẽ chậm hơn. Một cuộc chiến thương mại sẽ là gánh nặng lớn hơn nữa.
“Cái khó để định lượng là tác động trên cầu và cả chi phí, sự gián đoạn chuỗi cung ứng”, bà Cohen trả lời phỏng vấn Bloomberg.
Tăng trưởng trong khu vực đồng euro, Đức, Pháp, Italy, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc cũng được dự đoán chậm lại trong năm nay và năm tới. Ngay cả Ấn Độ, được kỳ vọng vẫn là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất 2018, khó có thể vượt qua mức 7,7% của quý gần nhất.
Ở khu vực đồng euro, tăng trưởng trong tháng 7 yếu đi do lượng đơn đặt hàng và niềm tin giảm, nhà cung cấp thông tin IHS Markit của Anh cho biết. Hoạt động của nhà máy ở Nhật Bản phát triển chậm nhất kể từ năm 2016 trong khi kỳ vọng sản lượng sản xuất và đầu tư ở Anh suy yếu, một phần do Brexit – vụ “chia tay” châu Âu tốn kém.
Báo cáo của Markit xuất hiện chỉ vài ngày sau khi các ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính từ nhóm 20 nền kinh tế phát triển (G20) cho rằng căng thẳng thương mại đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu, một trong nhiều cảnh báo từ các tổ chức lớn trên thế giới.
Tại Trung Quốc, các nhà chức trách liên tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ, ngăn nền kinh tế lún sâu vào suy thoái. Hôm 23/7, chính phủ nước này công bố một gói chính sách giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá gần 1.500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 200 tỷ USD) để giúp nền kinh tế đối phó với “một môi trường bên ngoài bất ổn”.
Nguồn: Phinvest.com.vn