Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại
Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại
Tính từ đầu tháng 8 đến ngày 16/8, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng trên sàn HOSE, mức bán ròng kỷ lục kể từ đầu năm 2019. Theo chu kỳ, vốn ngoại thường bán ròng từ tháng 8 đến tháng 11 và mua mạnh trở lại từ tháng 11 hàng năm.
Vốn ngoại rút ròng trên thị trường cổ phiếu và ETF
Riêng trong phiên giao dịch ngày 16/8, khối ngoại bán ròng lên tới 220 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, áp lực bán tập trung chủ yếu vào HPG (99 tỷ đồng), VJC (52 tỷ đồng), E1VFVN30 (45 tỷ đồng)… Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 12 liên tiếp với 11,9 triệu cổ phiếu được chuyển sang nhà đầu tư nội.
7 tháng đầu năm 2019, thị trường ghi nhận khối ngoại mua ròng liên tiếp 6 tháng, ngoại trừ tháng 6 bán ròng 319,5 tỉ đồng. Dòng vốn ngoại trong thời gian qua chảy khá mạnh vào các quỹ ETF, đặc biệt là quỹ ETF nội VFVN30 cho thấy, các nhà đầu tư ưa thích các sản phẩm quỹ ETF.
Tuy nhiên, tính biến động của thị trường lớn do ảnh hưởng từ các rủi ro khó dự báo trước như địa chính trị thế giới và vấn đề chiến tranh thương mại, nên chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư cũng nhanh hơn và sản phẩm ETF trở thành lựa chọn ưa thích của khối ngoại.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam cho rằng, động thái bán ròng của nhà đầu tư ngoại đang là lực cản lớn nhất cho TTCK Việt Nam, nó lớn hơn cả kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút thêm một lượng lớn các dòng vốn mới từ châu Á. Hoạt động giao dịch của khối ngoại tại TTCK Việt Nam mỗi năm tăng trưởng trung bình gần 60% về giá trị giao dịch.
Nhìn về xu hướng dòng vốn ngoại từ nay đến cuối năm, theo ông Khanh, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vẫn có xu hướng tăng, có thể giữ nhịp độ vào ròng khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Vốn ngoại vẫn sẽ tiếp tục hướng tới nhóm cổ phiếu doanh nghiệp vốn hóa lớn, đầu ngành do sự phù hợp trong chiến lược đầu tư về quy mô vốn hóa, giá trị giao dịch cũng như sự minh bạch trong công bố thông tin. Trong ngắn hạn, dòng vốn từ bên kia biên giới có sự thể tạm “co lại”, nhưng nhìn dài hạn, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định vẫn là một lợi thế đặc biệt để vốn ngoại trở lại đà mua ròng.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Bình thì cho rằng, theo thông lệ, vốn ngoại vẫn luôn có xu hướng bán ròng từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm và mua mạnh trở lại từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Chu kỳ này được dự báo tiếp tục diễn ra trong năm nay. Nhìn sâu hơn sẽ thấy, nền kinh tế thế giới luôn có những diễn biến khó lường, không thể đoán trước được.
Trong kịch bản tích cực, nếu Mỹ quay lại với mức lãi suất thấp và có chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc, sẽ tạo động lực thúc đẩy dòng tiền quốc tế chảy mạnh trên thị trường tài chính. Việt Nam luôn là cơ hội đáng đến của dòng vốn này.
Theo cafef.vn