Trang chủ » Tin tức » Tin kinh tế - xã hội » Thiếu nhà ở xã hội vì còn vướng cơ chế
Thiếu nhà ở xã hội vì còn vướng cơ chế
Ông Đỗ Đức Đạt, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô – một trong những chủ đầu tư dự án về nhà ở xã hội, cho rằng dù có nhiều ưu đãi, nhưng tiến trình thực hiện và thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội còn phức tạp và tốn nhiều thời gian.
Thứ hai, các dự án nhà ở xã hội giá rẻ thường được quy hoạch ra vùng ven đô, xa khu trung tâm, giao thông không thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật và tiện ích xã hội yếu kém.
Ngoài ra dù đầu tư tài chính không kém các dự án thương mại, tuy nhiên chủ đầu tư nhà ở xã hội chỉ được phép hưởng 10% lợi nhuận. Tất cả những điều này khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
Theo ông Đạt, muốn khuyến khích tối đa chủ đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở xã hội, cơ quan quản lý cần bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian về chuẩn bị đầu tư để có thể thi công, hoàn thành và bàn giao cho khách sớm.
Có vậy doanh nghiệp mới có thể thu hồi vốn sớm, quay vòng nhanh.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng trong chương 2 của Luật nhà ở còn đề cập đến quá nhiều đối tượng được hưởng nhà ở xã hội.
“Phải xem đây là chủ trương lâu dài chứ không thể bao hết được, quá nhiều đối tượng sẽ gây khó khăn trong triển khai trong khi điều kiện kinh tế đất nước đang có hạn như hiện nay”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, phát triển nhà ở xã hội cần tập trung cho khu đô thị và công nghiệp – nơi tập trung nhiều người đô thị thu nhập thấp và các công nhân.
Về diện tích, không nên xây dựng quá to, dẫn tới không hỗ trợ được nhiều người, cần xây nhỏ để tăng diện tích căn hộ, giảm giá bán giúp nhiều người được tiếp cận hơn.
Ngoài ra, ông Hùng đề xuất để tránh tình trạng ỷ lại vào ngân sách nhà nước, cần đưa ra quy định người muốn thuê, thuê mua nhà ở xã hội cần phải đóng góp một khoản nhất định vào quỹ hằng năm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến năm 2020 cần tới 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội để đáp ứng cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, đến nay mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng 10.000 căn.
Ông Hà thừa nhận một số cơ chế, chính sách liên quan tới khuyến khích nhà ở xã hội còn thiếu đồng bộ, chính sách ưu đãi vẫn chưa cụ thể, chưa thu hút được doanh nghiệp. Trong khi đó nguồn vốn huy động từ ngân sách, trái phiếu vẫn gặp nhiều khó khăn, quỹ đất để đầu tư xây dựng chưa được bố trí thuận lợi.
Liên quan tới một số ý kiến chưa thống nhất, ông Hà khẳng định quan điểm của Bộ Xây dựng là Luật nhà ở là đạo luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua, do đó các văn bản dưới luật có liên quan do cơ quan thẩm quyền ban hành trước thời điểm đó mà không phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với luật.
Cải tạo nhà chung cư cũ thành nhà ở xã hội
Tại hội thảo, chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng mạnh dạn đề xuất cơ quan quản lý nên biến chương trình cải tạo nhà chung cư cũ thành nhà ở xã hội. “Xây mới hoặc nâng tầng, tăng căn hộ cũng chỉ bán cho các đối tượng là người dân chung cư đó hoặc những người khó khăn về nhà ở có hộ khẩu trong khu vực phường, quận đó. Như vậy vừa cải tạo được chung cư cũ, vừa giúp người dân có nhà, vừa giải quyết được áp lực về giao thông, hạ tầng”, ông Hùng đề xuất. Ông Hùng cũng cho biết tổng hội đang phối hợp với TP Hà Nội xây dựng một khu tương tự ngay trong nội thành. |